Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội
Xã Phúc Thành A, có 3 thôn: Dưỡng Thái Bắc, Dưỡng Thái Trung, Dưỡng Thái Nam. Xã nằm gần trung tâm huyện Kim Thành, phía Bắc giáp thị xã Kinh Môn, phía Đông giáp thị trấn Phú Thái, phía Tây giáp xã Kim Xuyên, phía Nam giáp xã Kim Anh. Diện tích tự nhiên 3,675 km2, dân số tính đến 30/6/2021 có 4.872 người, mật độ dân số trung bình 1.325 người/km2. Xã Phúc Thành có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ do trục Quốc lộ 5A, Quốc lộ 17B, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đi qua, bên cạnh đó là con sông Kinh Môn chảy qua mang đến phù sa cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp và tuyến đường thủy nội địa. Đất đai tương đối bằng phẳng, chủ yếu là đất phù sa được bồi đắp từ sông Kinh Môn, rất thuận lợi cho phát triển trồng trọt.
Lịch sử hình thành:
Theo gia phả, thần phả, bia ký, vùng đất Phúc Thành thời thuộc Hán thuộc quận Giao Chỉ. Năm Tự Đức thứ 5 (1852) lập phủ Kim Thành, vùng đất Phúc Thành thuộc phủ Kim Thành, trấn Hải Dương.
Năm 1946, hai Làng An Thái và Dưỡng Thái được hợp nhất thành xã Song Thái, đến năm 1949, làng An Thái hợp nhất với xã Kim Quang (nay là xã Kim Anh) và làng Dưỡng Thái hợp nhất với xã Phương Lâm (nay là xã Kim Xuyện). Năm 1956, hai Làng An Thái và Dưỡng Thái được tái lập lấy tên là xã Phúc Thành. Năm 1979, huyện Kim Thành và Kinh Môn hợp nhất thành huyện Kim Môn, thuộc tỉnh Hải Hưng, xã Phúc Thành được đổi tên là Phúc Thành A, năm 1997 huyện Kim Môn được tách ra thành huyện Kim Thành và Kinh Môn xã Phúc Thành A được đổi tên là xã Phúc Thành và được gọi từ đó cho đến nay.
Di tích, danh thắng:
Đình Dưỡng Thái được xây dựng để thờ Thần hoàng làng Nguyễn Thụy Hường, người có công giúp vua Lý đánh giặc Tống xâm lược thế kỷ XI. Đình nằm trên một mảnh đất cao ráo, phía trước mặt là con sông Vận Lương nay gọi là Sông Kinh Môn (sông Thái). Đình được khởi dựng vào năm 1883, trên thượng lương còn ghi rõ "Hoàng triều Kiến Phúc nguyên niên tuế thứ giáp thân niên bát nguyệt sơ thập cát nhật lương thời trụ trụ thượng lương" (Dựng thượng lương và năm Kiến Phúc nguyên niên tháng 8 ngày 10 năm 1883). Đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 3 gian đại bái 2 gian dĩ và 3 gian hậu cung. Đây là một di tích được khởi dựng thời Nguyễn nên kiến trúc mang đậm nét phong cách thời Nguyễn. Bốn góc đao cong, các phù điêu hình rồng, phượng, kìm và đặc biệt là mũi đao được trang trí phù điêu đất nung thời Lê.
Chùa Dưỡng Thái có tên chữ "Cảnh Linh tự" tên Nôm là "Chùa Oi" được xây dựng vào năm 1690. Chùa cách Đình khoảng 300m về phía tây, đây là ngôi chùa đẹp, hạng mục như tam quan, tiền đường, thượng điện đều là công trình nghệ thuật đặc sắc, cổ kính, được kiến tạo theo kiểu chồng rường đấu sen, hiện tại chùa có 6 gian tiền đường và 3 gian thượng điện. Căn cứ vào những giá trị lịch sử, năm 1995, Đình chùa Dưỡng Thái được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện nay, cụm di tích đình, chùa đang được từng bước trùng tu, tôn tạo. Lễ hội hàng năm mở vào các ngày 10 + 11 + 12 tháng giêng (âm lịch).
Ngoài ra trên địa bàn xã còn có di tích lịch sử Đền Quýt đã được xếp hạng cấp tỉnh năm 2013
Tiềm năng kinh tế và những thành tựu nổi bật
Xã Phúc Thành có vị trí địa lý thuận lợi, là điều kiện để phát triển kinh tế xã hội cả công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn có các công ty, xí nghiệp và đặc biệt có làng nghề Làm hương truyền thống đã có lịch sử lâu đời, đây là điều kiện tốt để phát triển kinh tế xã hội địa phương cũng như việc giao lưu hàng hóa trong khu vực và cả nước. Được sự quan tâm của cấp trên đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, từng bước cải thiện và nâng cao mức sống cho người dân, nâng cao dân trí, trình độ của người lao động lao động tỷ lệ người lao động trong độ tuổi hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã giảm mạnh để chuyển sang lao động công nghiệp và dịch vụ.
Năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt ở mức cao, tổng giá trị sản phẩm toàn xã đạt: 227,539 tỷ đồng (tăng 12,3% so với năm 2019). Giá trị sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản đạt: 23,246 tỷ đồng, (tăng 3,8% so với năm 2019). Giá trị sản phẩm từ công nghiệp – xây dựng đạt: 128,223 tỷ đồng (tăng 19,3% so với năm 2019). Giá trị sản phẩm từ dịch vụ đạt: 126,070 tỷ đồng (tăng 7,5% so với năm 2019). Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn xã đạt: 10.688.528.154 đồng bằng 209,4% kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người đạt: 57 triệu đồng (tăng 6,5 triệu đồng so với năm 2019).
Với những thành tựu đã đạt được, Phúc Thành còn nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Góp phần không nhỏ để hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 – 2025 của huyện Kim Thành.